Vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ đối với nhiệm vụ tái cấu trúc, xây dựng nhà trường phát triển giai đoạn 2020 – 2025 theo hướng tự chủ và trường đại học định hướng nghiên cứu

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 (Luật số: 34/2018/QH14) cùng với các Nghị định, Thông tư vừa mới được ban hành đang tạo tiền đề GDĐH Việt Nam phát triển và hội nhập theo thông lệ quốc tế. Đối với trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đây chính là cơ hội để tạo bước đột phá để phát triển, xây dựng nhà trường vươn đến một tầm cao mới. Nhưng đi cùng với đó sẽ là những thách thức, khó khăn trước mắt và cần có những giải pháp, cách làm hết sức cụ thể, quyết liệt. Để làm rõ hơn về vấn đề này, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Huỳnh Văn Chương – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc ĐHH, Bí thư Đảng ủy trường ĐHNL.

PV: Kính thưa PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, được biết ngày 27/02/2020 vừa qua, ĐHH đã ban hành Quyết định 379/QĐ-ĐHH về phê duyệt Đề án tái cấu trúc Trường ĐHNL, ĐHH. Vậy đến nay sau hơn 2 tháng từ ngày Đề án được phê duyệt thì trường ĐHNL đã triển khai những công việc, hoạt động gì liên quan?

Về vấn đề này, trước hết cần nhấn mạnh, khẳng định rằng: Trường ĐHNL là một trong những đơn vị thực hiện tái cấu trúc nghiêm túc và quyết liệt nhất trong Đại học Huế theo đúng kế hoạch số 26-KH/ĐU ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Đảng ủy Đại học Huế.  Theo đó, Đảng ủy đã chỉ đạo xuyên suốt và rất khẩn trương để thực hiện tốt công tác tổ tái cấu trúc bộ máy quản lý Nhà trường theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả công tác. Đến nay trường còn 07 khoa, 24 bộ môn và 05 phòng chức năng; (Khoa Cơ bản theo lộ trình sẽ giải thể vào tháng 9/2020). Nhà trường cũng đã cơ bản hoàn thành bổ nhiệm cán bộ quản lý đến cấp Phó các đơn vị (Khoa, Phòng) và trưởng Bộ môn. Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 – 2025, Trường ĐHNL cũng triển khai và hoàn thành sớm nhất trong ĐHH.

Trong quá trình tinh gọn bộ máy cấp Phòng thì còn xóa hẳn cấp quản lý tổ công tác thuộc phòng với mục đích nâng cao năng lực chịu trách nhiệm, giải trình đến từng chuyên viên, phân quyền cao hơn cho lãnh đạo phụ trách từng mãng công tác của Phòng. Về cấp Khoa thì quan trọng và đáng chú ý nhất là định vị được vị trí trưởng Bộ môn là Giám đốc phụ trách trực tiếp chương trình đào tạo. Trường ĐHNL là đơn vị đầu tiên trong Đại học Huế đưa vào thử nghiệm thí điểm mô hình này. Cần nói thêm, đây là mô hình rất tiên tiến đang được các trường Đại học trên thế giới áp dụng.

Như vậy có thể nói rằng đến thời điểm này, nhà trường đã hoàn thành được tốt công tác tái cấu trúc bộ máy và nhân sự nhiệm kỳ mới. Từ đó, một không khí hết sức phấn khởi, tin tưởng đang lan tỏa để chào đón một giai đoạn, nhiệm kỳ mới hứa hẹn sẽ có nhiều đổi mới, khởi sắc theo đúng chủ đề và phương châm mà Đại hội Đảng sắp diễn ra vào ngày 4 và ngày 5 tháng 6 năm 2020 này.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương (thứ 4 trái sang) - Bí thư Đảng ủy cùng tập thể lãnh đạo trường, lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội tặng hoa chúc mừng Tân Hiệu trưởng - PGS.TS. Trần Thanh Đức (thứ 3 phải sang)
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương (thứ 4 trái sang) – Bí thư Đảng ủy cùng tập thể lãnh đạo trường, lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội tặng hoa chúc mừng Tân Hiệu trưởng – PGS.TS. Trần Thanh Đức (thứ 3 phải sang)

PV: Vâng, quả thật đây là những thông tin rất ấn tượng! Chỉ trong một thời gian ngắn mà nhà trường đã hoàn thành được một khối lượng công việc khá lớn. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ còn những khó khăn, tồn tại trong công tác này. Thầy có thể chia sẽ thêm về điều này và những định hướng sắp tới.

Khó khăn lớn nhất là việc tái cấu trúc trong một trường Đại học là chưa có một mô hình nào được xem là chuẩn hay nói cách khác là được kiểm chứng hiệu quả để tham khảo. Cho nên, tiến trình này trong cả Đại học Huế  và Trường ĐHNL trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Thứ hai là tư tưởng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo vẫn chưa thật quyết liệt, vẫn còn mang tính trì trệ và nhận thức theo tư duy “bao cấp”. Tâm lý sợ va chạm và nể nang vẫn còn nặng nề, phổ biến.

Và cuối cùng đó là nhiều cán bộ quản lý cũng còn rất “tâm tư”, bởi sau khi tái cấu trúc thì số lượng cán bộ quản lý từ cấp tổ công tác, bộ môn đến cấp trưởng, phó đơn vị đã giảm gần một nữa. Đây có thể là nói là điều chưa có tiền lệ cho nên tư tưởng cán bộ có giao động, có nhiều ý kiến là điều không thể tránh khỏi.

Trước vấn đề đó, Đảng ủy với tinh thần rất dân chủ đã tiếp thu, kiên trì đối thoại, minh bạch, chia sẻ và hoàn toàn không áp đặt với CBVC&LĐ để hướng đến mục tiêu phải tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong toàn trường hướng đến được mục đích chung là giữ vững thương hiệu, ổn định và phát triển Nhà trường trong giai đoạn đang gặp nhiều khó khăn như thời gian qua.

PV: Trường ĐHNL định hướng sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu (ĐHNC), vậy thì PGS.TS. có thể cho biết những điểm khác biệt hay những hoạt động nào mà nhà trường sẽ phải cải tiến, thay đổi như thế nào trong thời gian tới để trở thành một trường ĐHNC?

PGS.TS. Nguyễn Quang Linh (giữa) - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế cùng tập thể lãnh đạo trường Đại học Nông Lâm trong một buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh (giữa) – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Huế cùng tập thể lãnh đạo trường Đại học Nông Lâm trong một buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp

ĐHH nói chung, Trường ĐHNL nói riêng đang trong lộ trình thực hiện Luật số 34/2018/QH14; Nghị định 99/2019/NĐ-CP và Thông tư số 10/2020/TT-BGDĐT, các văn bản này cũng đã làm rõ được tiêu chí của trường ĐHNC. Do vậy, trường đang tập trung để đạt được một số tiêu chí như:

Một số chỉ tiêu, tiêu chí hướng đến trường đại học nghiên cứu

– Có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm.

– Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học.

– Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.

– Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học;

Dĩ nhiên, đây là một quá trình còn rất dài mới có thể đáp ứng được các tiêu chí trên nhưng những công việc trước mắt cần tập trung gồm:

Thứ nhất, trong Đào tạo phải cân đối việc đào tạo đại học với sau đại học theo tỷ lệ 80%-20%; Đào tạo sau đại học một cách bài bản, tập trung nâng cao chất lượng để thu hút được người học và khuyến khích đào tạo học viên cao học theo hướng nghiên cứu; Tăng số lượng, quy mô nghiên cứu sinh qua hằng năm và theo tôi đối với lĩnh vực Nông Lâm Ngư đây là điều không khó, vấn đề là cần phân quyền, phân cấp, giao chỉ tiêu cụ thể, có giám sát đến từng Khoa, Bộ môn và đội ngũ GV có trình độ Tiến sĩ trở lên.

Thứ hai là về nghiên cứu khoa học phải tập trung 2 mục tiêu vừa xuất bản được các bài báo trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước nhưng vừa phải chuyển giao được, có khả năng thương mại hóa, sở hữu trí tuệ. Và tập trung khen thưởng, thi đua và đánh giá giảng viên, CBVC theo hướng này.

Và cuối cùng là tăng nguồn thu trong KHCN, ít ra phải đạt từ 15-20% tổng nguồn thu của nhà trường hằng năm. Trường ĐHNL có truyền thống, bề dày, tiềm năng rất lớn trong các trường thành viên của ĐHH về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nên cần tập trung chỉ đạo, có các Nghị quyết của Đảng uỷ và các giải pháp cụ thể của chính quyền để đạt được chỉ số này và luôn tốp đầu trong ĐHH.

PV. Bên cạnh chủ trương trở thành một trường ĐHNC thì tự chủ đại học có lẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong nhiệm kỳ tới. Vậy PGS.TS. hãy cho biết nhà trường đang gặp phải những khó khăn, thách thức nào? Và Đảng ủy đã đề ra những giải pháp nào?

Trường ĐHNL chỉ đang bước đầu hướng đến tự chủ, ngân sách chi thường xuyên vẫn còn trên 25% do Nhà nước bao cấp, chi đầu tư vẫn dựa vào các nguồn cân đối chung của ĐHH và Bộ GD và ĐT, phần Nhà trường bỏ ra chưa nhiều. Do vậy cần phải sớm có những giải pháp căn cơ trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng này. Mục tiêu phải hướng đến phải tự chủ được 85-90% nguồn chi thường xuyên. Và muốn như vậy cần phải thực hiện các giải pháp trước mắt như sau:

Thứ nhất: Cân đối, sắp xếp lại tất cả các nguồn thu của nhà trường. Trong đó, không quá chú trọng vào một nguồn thu chính từ đào tạo (học phí) mà phải đa dạng hơn. Định hướng cơ cấu, tỷ lệ tổng nguồn thu phù hợp, khả thi nhất như sau: 70% từ đào tạo, 15-20% từ KHCN và 5-10% nguồn thu khác (các dịch vụ). Có như vậy mới đảm bảo được tính an toàn và bền vững trong tự chủ. Cần đánh giá lại tính hiệu quả của các Trung tâm thuộc Trường để tăng quyền tự chủ cho các trung tâm để quyết định hợp tác với các đối tác nhưng đồng thời các trung tâm phải có đề án tự chủ khả thi, có trách nhiệm đóng góp cho Nhà trường cả về Đào tạo, nghiên cứu khoa học và nguồn thu.

Thứ hai: Tập trung giao các tiêu chí, các chỉ số cụ thể cho cấp Phòng, cấp Khoa và đặc biệt cấp bộ môn cho đến từng giảng viên, nhất là giảng viên từ tiến sỹ trở lên. Và chắc chắn sẽ có sự thay đổi về nguồn thu nhập của từng đơn vị, từng CBVC&LĐ, tạo nên một sự cạnh tranh và theo đúng chỉ đạo của Đảng là không dàn đều bình quân mà phải có sự khác biệt theo thành tích thể hiện và cống hiến cho Nhà trường Tóm lại, nhà trường phải phân cấp, phân quyền trong quản lý điều hành và tài chính mạnh hơn nữa nhưng vẫn bám sát các quy định, văn bản nhà nước, công khai, minh bạch, thưởng, phạt rõ ràng.

Phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao là nhiệm vụ luôn được nhà trường ưu tiên, đầu tư
Phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao là nhiệm vụ luôn được nhà trường ưu tiên, đầu tư

PV: Vâng, rất nhiều khó khăn nhưng sẽ có rất nhiều thay đổi tích cực trong nhiệm kỳ tới. Vậy Đảng ủy đặt mục tiêu như thế nào về nhiệm kỳ sắp tới? Và những hành động cụ thể như nào?

Mục tiêu tổng quát là tập trung hoàn thành tái cấu trúc toàn diện, xây dựng và phát triển Trường ĐHNL, ĐHH hướng đến tự chủ và định hướng nghiên cứu; là một trong những Trường Đại học hàng đầu về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của cả nước, tích cực cùng góp phần xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng ủy cũng đã đề ra 6 chương trình hành động cụ thể về cơ cấu tổ chức, tài chính và xây dựng Đảng như sau:

Các chương trình hành động về cơ cấu tổ chức, tài chính và xây dựng Đảng
trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025

Chương trình 1: Xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ, quy chế theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong công tác và quản trị Nhà trường, thực hiện đúng  chức năng và nhiệm vụ được phân công, có các sản phẩm đầu ra cho từng vị trí việc làm, đảm bảo tiêu chuẩn đội ngũ đạt theo tiêu chuẩn đại học  định hướng nghiên cứu.

Chương trình 2: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các mãng công tác hướng đến người học và viên chức lao động Nhà trường.

Chương trình 3: Tăng cường tìm kiếm các nguồn thu hợp pháp, xây dựng cơ cấu chi tiêu phù hợp cho từng đối tượng và mãng công tác, có quĩ đảm bảo an ninh tài chính. Giao quyền tự chủ đến cấp Bộ môn, giám đốc CTĐT hướng đến tự chủ tài chính. Các  Trung tâm, Viện nghiên cứu của trường tự chủ về tài chính trong chỉ trả lương tăng thêm và có đóng góp hợp lý vào ngân sách chung toàn trường.

Chương trình 4: Huy động các nguồn lực để nâng cấp các phòng thí nghiệm và cơ sở vất chất phục vụ đào tạo và NCKH. Sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất hiện có để đáp ứng công tác giảng dạy và NCKH của giáo viên và học tập của sinh viên, học viên

Chương trình 5: Xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị xã hội Nhà trường thực sự trong sạch, vững mạnh, thành một khối thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để xây dựng và phát triển Nhà trường.

Chương trình 6: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội của Nhà trường, củng cố niềm tin và tạo chuyển biến tích cực trong hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng.


PV.
Và một câu hỏi cuối, chỉ còn ít ngày nữa là Đại hội đại biểu Đảng bộ trường lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra (4-5/6/2020) và ngay lúc này đây nhóm phóng viên đã cảm nhận không khí hết sức phấn khởi lan tỏa trong toàn trường. Với phương châm là: “MINH BẠCH – KỶ CƯƠNG – ĐOÀN KẾT – PHÁT TRIỂN” thì PGS.TS. hãy chia sẽ thêm ý nghĩa, thông điệp mà Đảng ủy muốn khẳng định qua phương châm này?

Đại hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường trong giai đoạn mới. Đảng ủy cũng đã đề ra phương châm Đại hội có ý nghĩa rất sâu sắc như sau:

MINH BẠCH: Ở đây được hiểu là minh bạch trong giải trình, bởi trong tự chủ đại học thì trách nhiệm công khai, giải trình với xã hội, với cơ quan quản lý cấp trên về chất lượng đào tạo, nghiên cứu của nhà trường càng lớn. Và minh bạch trong các hoạt động, thông tin với CBVC, người học là rất quan trọng.

KỶ CƯƠNG: Đầu tiên là phải “Làm đúng trước khi làm tốt”, nghĩa là các hoạt động Nhà trường trước hết phải tuân thủ, bám sát các văn bản, quy định cấp trên. Còn đối với CBVC thì phải tuân thủ, tin tưởng vào công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng, của Chính quyền. Và quan trọng phải luôn giữ nề nếp, văn hóa sư phạm để xứng đáng là tấm gương cho người học noi theo.

ĐOÀN KẾT: Trường ĐHNL với hơn nữa thế kỷ hình thành và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách cũng nhờ vào tinh thần đoàn kết xuyên suốt tạo nên sức mạnh. Và muốn có đoàn kết phải có minh bạch và kỷ cương; đoàn kết còn có nghĩa là chia sẽ, đồng thuận, trách nhiệm, quyền lợi để phát triển nhà trường.

PHÁT TRIỂN: Dĩ nhiên, nếu đạt được cả 3 phương châm trên thì chắc chắn trường ĐHNL sẽ phát triển vững mạnh và trở thành trường Đại học hàng đầu về Nông Lâm Ngư nghiệp trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng trường ĐHNC và có khả năng tự chủ. Và luôn giữ vị trí tốp đầu của 8 trường thành viên của ĐHH nhất là về KHCN và HTQT.

PV. Vâng, xin cảm ơn PGS.TS. về buổi trao đổi hôm nay và chúc Đại hội Đảng bộ trường sắp đến thành công tốt đẹp./.