Vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ đối với công tác Đào tạo; Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên: Đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những định hướng, nhiệm vụ, chương trình lãnh chỉ đạo của Đảng ủy nhiệm kỳ 2020 -2025

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã định hướng “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.” Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) với sứ mạng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó là “Đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế” đã và đang có những bước phát triển, chuyển mình hết sức mạnh mẽ trong công tác đào tạo.

Trước thềm Đại hội Đảng Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 của trường ĐHNL, ĐHH và trong không khí hết sức phấn khởi khi sinh viên nhà trường đã quay trở học tập tập trung sau kỳ nghỉ kéo dài vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Thanh Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.

PV: Kính thưa PGS.TS. Trần Thanh Đức thì trong thời gian vừa qua, cả nước chung tay, tập trung chống dịch COVID-19 và hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì nhà trường đã có những hoạt động, biện pháp gì trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh?

PGS.TS. Trần Thanh Đức: Thực hiện chỉ thị của 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã nhanh chóng chỉ đạo hết sức quyết liệt những biện pháp cụ thể để chủ động phòng chống dịch COVID-19 như sau:

Nhà trường tổ chức đào tạo qua mạng (E-learning) cho sinh viên, học viên, hiện đang triển khai phần lý thuyết cho 330 nhóm HP, kế hoạch trong thời gian tới hoàn thành giảng dạy phần lý thuyết cho 388 HP học kỳ 2, năm học 2019-2020. Sinh viên cuối khóa của một số ngành đã hoàn thành chương trình thay vì phải bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước hội đồng thì khóa luận được chấm điểm theo đúng quy chế đào tạo. Tổ chức các cuộc họp và điều hành các hoạt động của Nhà trường thông qua trực tuyến. Như vậy mặc dù sinh viên (SV) không đến trường, giáo viên không đến lớp nhưng kế hoạch giảng dạy và các hoạt động điều hành của nhà trường vẫn được đảm bảo.

Nhà trường cùng chung sức cùng cả cộng đồng phòng chống dịch bệnh: Khoa Cơ bản và nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Huế (Khoa Cơ khí và công nghệ) đã sản xuất thành công nước rửa tay sát khuẩn được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng, sản phẩm phục vụ hiệu quả cho cán bộ viên chức, lao động (CBVC&LĐ) và SV toàn trường cũng như một số hộ dân trên địa bàn thành phố Huế. Nhóm nghiên cứu của TS. Vũ Văn Hải (Khoa Chăn nuôi Thú y) đã bước đầu nghiên cứu, sản xuất máy trợ thở phục vụ điều trị bệnh nhân. Nhà trường tuyên truyền, vận động CBVC&LĐ và người học tích cực khai báo y tế, thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch bệnh. Công đoàn, Đoàn Thanh niên (ĐTN), Hội sinh viên (HSV), Hội Cựu chiến binh nhà trường đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực như quyên góp tiền, hiện vật… để phòng chống dịch COVID-19.

Như vậy có thể nói, mặc dù tác động của dịch bệnh của Covid-19 là rất lớn đến các hoạt động của nhà trường nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban giám hiệu và sự đồng lòng của toàn thể CBVC&LĐ và người học, Nhà trường đã chủ động thích ứng và có những biện pháp cụ thể để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Nhóm cán bộ của trường ĐHNL, ĐHH thực hiện pha chế nước rửa tay khô
Nhóm cán bộ của trường ĐHNL, ĐHH thực hiện pha chế nước rửa tay khô

PV: Vâng, xin cảm ơn những thông tin mà PGS. TS. vừa chia sẽ. Thưa PGS. TS. Trần Thanh Đức, được biết với chương trình đào tạo (CTĐT) các ngành của trường ĐHNL, ĐHH hiện nay đã được đổi mới; ngoài việc đào tạo các kiến thức tại nhà trường, đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vào đào tạo và đặc biệt là phát triển các kỹ năng của sinh viên để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động? Vậy, xin ông hãy chia sẻ một số thông tin về chủ trương và hình thức tổ chức của trường để có được những đổi mới này.

PGS.TS. Trần Thanh Đức: Trường ĐHNL, ĐHH tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp 2 được thành lập năm 1967, qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, nhà trường đã khẳng định được vị thế của mình là cơ sở giáo dục ĐH có uy tín về đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực Nông, Lâm, Ngư nghiệp và tài nguyên môi trường. Hiện nay nhà trường có 27 ngành đào tạo (ĐT) bậc Đại học (ĐH), 10 ngành ĐT bậc thạc sĩ, 9 ngành ĐT bậc tiến sĩ. Chủ trương của nhà trường là tiếp tục nâng cao chất lượng để sản phẩm ĐT của nhà trường đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng và thị trường lao động, có nghĩa là ngoài kiến thức, nhà trường chú trọng đào tạo về kỹ năng, thái độ cho sinh viên, người học. Để thực hiện chủ trương đó, nhà trường thực hiện nhiều hình thức, trong đó chú trọng 6 hình thức sau:

(1) Các CTĐT được xây dựng và cập nhật theo thông 07/2015 của Bộ GD và ĐT trong đó nhấn mạnh vai trò của các nhà tuyển dụng lao động.

(2) Các CTĐT đã chú trọng đến việc tăng khối lượng thực hành thực tập từ phần THTT của các HP đến Khối thực tập nghề nghiệp (tiếp cận nghề, thao tác nghề và thực tế nghề) và thực tập tốt nghiệp để nâng cao tay nghề cho sinh viên.

(3) Nâng cao chất lượng đội ngũ để phục vụ hiệu quả cho việc giảng dạy (hiện nay tỷ lệ GV có trình độ TS của trường là 37% trong đó có 03 GS, 37 PGS, 62 TS; nhiều thầy cô tốt nghiệp TS nước ngoài).

(4) Hợp tác chặt chẽ có hiệu quả với doanh nghiệp: nhà trường hợp tác với 50 doanh nghiệp trên nhiều phương diện: (i) Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp (Công ty Green Feed và CJ Vina đối với ngành Chăn nuôi và Thú y); Tham gia góp ý trong việc xây dựng và cập nhật CTĐT; (iii) Huấn luyện kỹ năng cho sinh viên (thông qua chương trình CEO Talk, tập huấn kỹ năng mềm cho SV…, (iv) SV về thực tập tốt nghiệp, thực tập nghề nghiệp tại các công ty, DN, (v) Công ty, doanh nghiệp về trường tuyển dụng SV ở các ngày hội việc làm, (vi) Công ty, doanh nghiệp hỗ trợ học bổng cho SV và tài trợ các hoạt động văn nghệ, TDTT…

(5) Triển khai chương trình internship (thực tập nghề nghiệp) nước ngoài có hưởng lương từ 6 tháng đến 1 năm tại Nhật Bản, Israel, Đan Mạnh, Đài Loan. Ngoài việc tích lũy được kiến thức, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh thì SV còn tích lũy được tài chính.(6) ĐTN-HSV đẩy mạnh các hoạt động để trang bị kỹ năng mềm và thái độ cho SV thông qua hoạt động rất có hiệu quả của 30 CLB đội nhóm, tiêu biểu là các CLB Tiếng Anh, CLB Xung kích, CLB Giọt hồng, CLB Thể dục thể thao, CLB Tuổi trẻ vùng cao…

Năm 2019, đã có hơn 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại Ngày hội việc làm lần thứ 6 của trường ĐHNL, ĐHH
Năm 2019, đã có hơn 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp tại Ngày hội việc làm lần thứ 6 của trường ĐHNL, ĐHH

PV: PGS.TS. đã nhắc tới, hiện nay, nhà trường có tới 30 CLB, đội nhóm đây là một con số rất ấn tượng thể hiện sự quan tâm, đầu tư của Đảng ủy, BGH để đào tạo, phát triển năng lực người học một cách toàn diện. Vậy đối với lĩnh vực Công tác sinh viên thì PGS.TS. có thể chia sẽ một số thông tin về lĩnh vực này.

PGS.TS. Trần Thanh Đức: Đảng ủy luôn sâu sát quan tâm chỉ đạo các hoạt động của SV, cùng đồng hành và hỗ trợ người học để các em sau khi ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm đảm bảo ra trường có thể tìm kiếm được việc làm, lập thân, lập nghiệp. Nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên, người học trong thời gian qua đó là các chương trình liên kết thực tập và làm việc tại nước ngoài đối với sinh viên; hoạt động NCKH sinh viên, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển kỹ năng, năng lực cho sinh viên; các hoạt động hỗ trợ sinh viên và hợp tác doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành nhân cách và lối sống, khẳng định và quảng bá hình ảnh của sinh viên Nhà trường.

Đặc biệt, nhờ vào việc chủ động kết nối với các doanh nghiệp, trong 5 năm qua đã có gần 9.000 cơ hội việc làm được các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng. Theo khảo sát, Trường luôn có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 6 tháng từ khi ra trường ở mức cao từ 67,4 đến 90,5%.

Hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, chất lượng và kỹ năng sinh viên thông qua chương trình đưa sinh viên đi thực tập hưởng lương (internship) và trải nghiệm tại nước ngoài cũng đã được Nhà trường thực hiện từ năm đầu tiên (2017) với thị trường Israel và Nhật Bản, đến năm 2020 đã phát triển thêm các thị trường như Đan Mạch, Đài Loan. Trong 03 năm triển khai đã có hơn 312 sinh viên tham gia chương trình này, giúp sinh viên được tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại, có thời gian trải nghiệm và phát triển bản thân, trau dồi ngoại ngữ, tích lũy tài chính góp phần lập thân và lập nghiệp.

PV: Vậy theo PGS.TS. đâu là những điểm mạnh, điểm yếu trong lĩnh vực Đào tạo trong thời gian qua và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

PGS.TS. Trần Thanh Đức: Trong 5 năm qua, nhà trường đã quan tâm chỉ đạo về việc xây dựng các CTĐT phù hợp với nhu cầu của xã hội, xây dựng mới 8 CTĐT Đại học, 4 CTĐT Tiến sĩ, đến nay đã có 29 CTĐT Đại học, 10 CTĐT Thạc sĩ và 09 CTĐT Tiến sĩ. Tất cả các CTĐT đều được xây dựng và cập nhật theo Thông tư 07/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mở thêm 02 ngành liên thông đưa tổng số ngành liên thông của Nhà trường hiện nay lên 07 ngành và 04 ngành đào tạo văn bằng 2. Đặc biệt đã xây dựng và mở được 02 ngành liên thông từ trình độ trung cấp với đại học. Đào tạo Quốc tế và phát triển chương trình đào tạo bằng tiếng Anh đã được chú trọng. CTĐT Tiến sĩ ngành Chăn nuôi bằng tiếng Anh đã tuyển sinh và đào tạo được 10 NCS Lào, Campuchia và Việt Nam; Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Lâm học bằng tiếng Anh đã được xây dựng và sẽ tuyển sinh, đào tạo trong thời gian tới. Một trong những điểm mạnh trong lĩnh vực đào tạo của nhà trường trong thời gian qua là gắn kết ngày càng chặt chẽ với doanh nghiệp như đã trao đổi ở trên để sản phẩm đào tạo của nhà trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và các nhà tuyển dụng.

GS. Michael Henry Boehme, Khoa Khoa học Sự sống, Đại học Humboldt Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức (Humboldt University of Berlin) tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐHNL trong chương trình trao đổi học giả của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD)
GS. Michael Henry Boehme, Khoa Khoa học Sự sống, Đại học Humboldt Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức (Humboldt University of Berlin) tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐHNL trong chương trình trao đổi học giả của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD)

Bên cạnh các điểm mạnh, thì lĩnh vực đào tạo trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế đó là: Trong 3 năm gần đây, tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu, một số ngành truyền thống của nhà trường gặp khó khăn trong tuyển sinh do xu thế của xã hội và chính sách của nhà nước.

Để phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới nhà trường sẽ có các giải pháp sau:

– Tái cấu trúc ngành nghề đào tạo, mạnh dạn tạm dừng tuyển sinh những ngành không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh quá ít trong 3-4 năm; chú trọng mở ngành mới, ngành thí điểm gắn đến thế mạnh và thương hiệu của Nhà trường. Nâng cao chất lượng đào tạo để ít nhất mỗi khoa có 01 ngành đào tạo tuyển sinh tốt, có thương hiệu.

– Gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo, xây dựng một số ngành đào tạo theo hướng đặt hàng của các doanh nghiệp, đào tạo có yếu tố nước ngoài, đào tạo bằng tiếng Anh.

– Tiến hành rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo theo quy định. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, chú trọng học kỳ doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho sinh viên; tạo điều kiện thuận lợi để SV học song ngành, liên thông.

– Ứng dụng mạnh mẽ Công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo. Tăng cường biên soạn, xuất bản giáo trình, bài giảng, đảm bảo tiến đến 70% học phần có giáo trình chuẩn giảng dạy, gắn đào tạo với NCKH. Khoa và Bộ môn quản lý chặt chẽ nội dung, tài liệu của giảng viên lên lớp.

– Phát triển và đa dạng các hình thức giảng dạy để thích ứng và đáp ứng các loại hình đào tạo hiện nay của Nhà trường. Hoàn thiện tài liệu và tư liệu giảng dạy trực tuyến (E-learning) để chủ động và đa dạng các hình thức giảng dạy trong Trường.

PV: Kính thưa PGS.TS. một công tác khác rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo là hoạt động khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục. Vậy, PGS.TS. có thể chia sẽ đôi nét này và định hướng sắp tới của nhà trường về hoạt động là như thế nào?

PGS.TS. Trần Thanh Đức: Nhà trường đã ban hành chiến lược bảo đảm chất lượng (BĐCLGD), đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục vào tháng 12 năm 2016 và nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục vào ngày 24 tháng 3 năm 2017, với kết quả 84,6% số tiêu chí đạt chất lượng – là Trường Đại học đầu tiên của Đại học Huế và khối trường Nông, Lâm, Ngư đạt kiểm định chất lượng cấp quốc gia. Việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được Nhà trường triển khai, có 04 chương trình đào tạo đã được tự đánh giá, đang được Đại học Huế thẩm định. Qua đây, thể hiện sự chú trọng, đầu tư của nhà trường cho công tác này. Năm 2018, khi Đảng ủy Đại học Huế có Nghị quyết số 58 – NQ/ĐU ngày 20/6/2028 về tăng cường công tác đào tạo, bảo đảm chất lượng giáo dục hướng đến hội nhập quốc tế 2018 – 2025. Đảng ủy Nhà trường đã tích cực triển khai Nghị quyết và được Đảng ủy Đại học Huế về kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 58 và đã chỉ ra những mặt đã làm được và cần khắc phục. Công tác BĐCLGD về cơ bản đã có những thay đổi đáng kể, trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã có hơn 500 lượt giảng viên, viên chức được tham gia đào tạo các khóa về tự đánh giá cơ sở giáo dục, CTĐT theo bộ tiêu chuẩn quốc gia, AUN-QA, chuẩn đầu ra; hoàn thành 02 nghiên cứu về BĐCLGD thuộc dự án ACCCU, VLIR-IUC. Định hướng đến năm 2025 sẽ có 80% – 100% chương trình đào tạo tự đánh giá, trong đó có 10-12 (chiếm 40% tổng số CTĐT) chương trình đào tạo được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn quốc gia và theo bộ tiêu chí AUN – QA.

Trung tâm kiếm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường Đại học cho nhà trường tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường
Trung tâm kiếm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường Đại học cho nhà trường tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường

Để phát huy những ưu điểm và khắc phục các hạn chế, Đảng ủy đã đề ra những chương trình hành động về mảng Đào tạo cho nhiệm kỳ 2020-2025 như sau:

Các chương trình Đào tạo trọng điểm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025

Chương trình 1: Tập trung và tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ về chất lượng đào tạo ĐH và SĐH đáp ứng nhu cầu xã hội khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp và theo định hướng đại học nghiên cứu và hội nhập khu vực và quốc tế. Tái cấu trúc ngành nghề đào tạo và đa dạng các hình thức và phương pháp giảng dạy “dựa vào nhu cầu xã hội” để thích ứng tốt các loại hình đào tạo hiện nay.

Chương trình 2: Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác sinh viên, học viên, gắn công tác Đoàn, Hội với công tác sinh viên thành một khối thống nhất và hỗ trợ tối đa người học.

Chương trình 3: Huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới BĐCLGD bên trong, hoàn thành tự đánh giá và kiểm định các CTĐT và cơ sở đào tạo chu kỳ 2, xây dựng cơ sở dữ liệu xếp hạng quốc tế một số ngành học trọng điểm của Nhà trường.

Chương trình 4: Đổi mới hoạt động thi cử trong nhà trường theo hướng đa dạng các hình thức, ứng dụng các công cụ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của người học và chuẩn đầu ra.

PV:  Vâng, xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. về buổi trao đổi hôm nay.